Sau chiến dịch Linebacker II Hội_nghị_Paris,_mặt_trận_ngoại_giao_năm_1968-1972

Chấm dứt ném bom để đàm phán

Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ CMLT Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris 1973

Hồi 14 giờ chiều 18 tháng 12 (giờ Paris, tức 21 giờ ở Việt Nam), trong khi B-52 đang dội bom xuống Hà Nội thì Nixon gửi công hàm cho Phạm Văn Đồng (qua đại biện lâm thời Việt Nam tại Paris) yêu cầu phải họp lại ngày 26 tháng 12. Phía Việt Nam im lặng và trả lời bằng 2 máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ, 4 chiếc khác bị thương, 6 phi công B-52 bị bắt. Ngày 22 tháng 12, phía Hoa Kỳ tiếp tục có công hàm đề nghị họp lại vào ngày 3 tháng 1 năm 1973 trong khi phi vụ ném bom B-52 thứ 247 của chiến dịch đang được thực hiện. Hà Nội lại im lặng và tiếp tục trả lời bằng con số B-52 rơi lên đến 14 chiếc (phía Hoa Kỳ thừa nhận mất 9 chiếc). Đến ngày 26 tháng 12, Hà Nội mới đồng ý nối lại đàm phán với điều kiện tình hình phải trở lại như trước ngày 18 tháng 12. Nixon cố trút thêm hơn chục nghìn tấn bom đạn nữa xuống Hà Nội, Hải Phòng để lập kỷ lục mất đến chiếc B-52 thứ 34 (Mỹ thừa nhận 16 chiếc bị bắn rơi) rồi mới ra lệnh ngừng ném bom và cho Kissinger quay lại Paris.[6]

Trong khi Hà Nội, Hải Phòng chịu những trận mưa bom từ máy bay B-52 thì Nixon và các trợ thủ của ông ta cũng phải chịu những trận "mưa bom" từ dư luận trong và ngoài nước Mỹ. Không một đồng minh NATO nào lên tiếng ủng hộ việc ném bom của Hoa Kỳ. 45 trong số 73 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ được Viện Gallup hỏi ý kiến chống lại "cuộc ném bom trong dịp Giáng sinh" và tuyên bố sẵn sàng ủng hộ một đạo luật buộc tổng thống phải chấm dứt chiến tranh. Đến ngày 2 tháng 1 năm 1973 thì cả Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua với đa số phiếu áp đảo một nghị quyết cắt kinh phí quân sự ở Việt Nam, kể cả viện trợ quân sự cho VNCH (trừ kinh phí cho việc rút quân và hồi hương tù binh). Ngày 8 tháng 1 năm 1973, Kissinger quay lại Paris trong nỗi ám ảnh của bóng ma phản chiến. Chiếc máy bay của ông ta phải đậu cách xa ống kính ghi hình của các phóng viên báo chí tại căn cứ không quân Homestead[5]

Buổi họp đầu tiên sáng ngày 8 tháng 1 được dành cho bài độc thoại của ông Lê Đức Thọ lên án cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 vừa qua của Hoa Kỳ. Kissinger chỉ phàn nàn: "Tôi nghe thấy có những tính từ và tôi đề nghị không dùng những từ đó". Ông Thọ bác lại: "Tôi nói thế cũng là đã kiềm chế lắm rồi. Dư luận thế giới, các nhà báo và chính các nhân vật ở Hoa Kỳ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều".[6] Như để giữ thể diện, đoàn Hoa Kỳ đề nghị thảo luận theo lập trường mà Hoa Kỳ đưa ra trong công hàm ngày 18 tháng 12 năm 1972. Đoàn Việt Nam trả lời rằng họ quay lại Paris theo đáp ứng của Hoa Kỳ rằng mọi chuyện sẽ quay lại trước ngày 18 tháng 12, lấy sự thỏa thuận ngày 13 tháng 12 làm cơ sở. Và như vậy, bản hiệp định chỉ còn hai vấn đề phải làm rõ là khu phi quân sự và thể thức ký kết. Cuối cùng, phía Hoa Kỳ phải đồng ý.[6]

Nixon quyết định mặc kệ Thiệu

Hội trường quốc tế của Bộ ngoại giao Cộng hòa Pháp tại phố Klébèr, nơi diễn ra Lễ ký Hiệp định Paris 1973

Trong buổi chiếu ngày 8 và cả ngày 9 tháng 1, hai bên đã sửa lại về hình thức ngôn ngữ của một số điều khoản. Phía Hòa Kỳ đồng ý với phía Việt Nam về việc không cấm đi lại dân sự qua khu phi quân sự vì trên thực tế, QĐNDVN đã đẩy tuyến phòng thủ giữa mình và QLVNCH đến sông Thạch Hãn và nối liền với Bắc Tây nguyên thì việc cấm qua lại quân sự chỉ còn có ý nghĩa hình thức nếu không nói là vô hiệu. Một số điều khoản có liên quan đến Lào và Campuchia cũng được điều chỉnh theo hướng tôn trọng các hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và 1962 về Lào; công việc nội bộ của hai nước này do họ tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài, quan hệ giữa các nước Đông Dương với nhau cũng do các nước này tự quyết định. Hiệp định coi như đã hoàn thành.[6]

Ngày 10 và 11 tháng 1, hai bên tiếp tục giải quyết xong các hiểu biết (understanding) gồm những vấn đề cụ thể về khái niệm có thể ký bằng thỏa thuận giữa hai bên, không cần thiết phải đưa vào nội dung chính của Hiệp định hoặc Nghị định thư nhưng mặc nhiên được coi như một bộ phận của Hiệp định. Sang ngày 12, hai bên bàn đến vấn đề cách thức ký hiệp định. Ban đầu, Kissinger đề nghị ba bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời ký riêng một lời nói đầu, Việt Nam Cộng hòa ký riêng một lời nói đầu khác. Đến ngày 13 tháng 1, ông ta lại đề nghị Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký riêng một lời nói đầu và điều 23, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký riêng rẽ hai phần này dưới hình thức một công hàm gia nhập hiệp định (adherence). Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phản đối với lý do các bên ký kết phải cùng ký toàn bộ hiệp định và các nghị định thư để đảm bảo cam kết của họ về hình thức pháp lý. Phía Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra ba cách ký mà trong đó đều không có tên Chính phủ cách mạng lâm thời cũng như chức vụ Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời và dĩ nhiên không được phía VNDCCH chấp nhận. Kissinger còn đề nghị mỗi bên ký một trang riêng nhưng cũng bị phía Việt Nam bác bỏ. Cuối cùng, hai bên thỏa thuận ký bốn bên và ký hai bên. Các trang để ký đều được gộp vào văn bản hiệp định và đánh số thứ tự. Hai bên thỏa thuận ký kết vào ngày 27 tháng 1.[6]

Nguyễn Văn Thiệu đã cố cản trở Nixon lần cuối cùng khi ông ta lệnh cho Nguyễn Đỗ Phượng, đại sứ của mình ở Washington cùng với hai người được ông ta cử sang là Bùi Diễm (cựu đại sứ VNCH ở Hoa Kỳ) và Trần Văn Đỗ mở một chiến dịch vận động hành lang (lobby) từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 1 đối với những nhân vật đứng đầu các đảng Cộng hòa, Dân chủ và những nhân vật chủ chốt khác ở cả hai viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trong tường trình của Bùi Diễm gửi về Sài Gòn cho Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận bốn nhân vật quan trọng của Quốc hội Hoa Kỳ, các ông Hubert Humphrey, John Tower, Jarvis và Eirken đều cùng chung một quan điểm: Chiều hướng chung của Quốc hội Hoa Kỳ lúc này là chấm dứt chiến tranh. Vụ oanh tạc bằng B-52 vừa rồi đã gây xúc động tới mức những nghị sĩ trong Đảng Cộng hòa cũng phản đối chính sách của tổng thống và sốt ruột vì hòa bình. Ông Tower còn nói nếu chọn nguyên tắc và thực chất thì ông sẽ chọn thực chất dù bề ngoài có thể mất thể diện chút ít.[89]

Sau khi gửi đến 8 bức điện mật từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 1 nhưng không thuyết phục được Nguyễn Văn Thiệu, Nixon đã phải dùng đến những biện pháp gay gắt nhất. Ngày 16 tháng 1, ông cử đại tướng Alexander Haige đến Sài Gòn đem theo một bức giác thư, có đoạn viết:

Chúng tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt hiệp định ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Paris. Nếu cần, tôi sẽ một mình làm đúng như thế. Trong trường hợp đó, tôi phải công bố rằng chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả là sự chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ ngay lập tức và không tránh khỏi. Và mọi sự xếp đặt lại chính quyền của ông cũng chẳng thể thay đổi được tình hình.
— Nixon

Sau khi Alexander Haig đi, Nixon nói với Kissinger: "Ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên đểu giả đó không chịu chấp thuận. Ông hãy tin lời tôi". Mặc dù vậy, Nixon vẫn bảo đảm với Nguyễn Văn Thiệu rằng: "Hoa Kỳ đơn phương công nhận chính phủ của ngài là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam" nhưng sự đảm bảo này không thể được ghi vào hiệp định.[5]. Không còn cách nào khác, Nguyễn Văn Thiệu phải cử Trần Văn Lắm đi Paris để ký kết hiệp định. Như mọi người đều biết, hồi 10 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 23 tháng 1, lễ ký tắt giữa Kissingere và Lê Đức Thọ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - Bộ ngoại giao Cộng Hoà Pháp trên đại lộ Kléber. Đến 11 giờ (giờ Paris) ngày 27 tháng 1, lễ ký chính thức đã diễn ra cũng tại đây. Buổi sáng, bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký. Buổi chiều cùng ngày, hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký.[6]

Bản dự thảo tháng 10-1972 và bản chính thức của Hiệp định Paris: tuy hai mà một, tuy một mà hai

Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers, người thay mặt chính phủ Hoa Kỳ ký bản Hiệp định Paris 1973

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam không chỉ đơn thuần có một văn bản hiệp định mà có hai văn bản giống nhau (chỉ khác về câu chữ ở điều 23). Một văn bản do hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ký, một văn bản do bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký. Kèm theo Hiệp định này là 4 Nghị định thư về các vấn đề có liên quan đến bốn bên, hai bên và một bản ghi nhớ các hiểu biết về các nội dung được thỏa thuận. Ngoài ra, ngày 1 tháng 2 năm 1973, Tổng thống Nixon còn gửi một công hàm cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 7 nguyên tắc về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam theo Điều 21 của Hiệp định có bổ sung thêm một hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế và ghi chú về những hình thức viện trợ khác.[90]

Cuối tháng 2 năm 1973, các bên Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia dưới sự bảo trợ của Tổng thư ký Liên hiệp quốc còn ký một Định ước cuối cùng của Hội nghị quốc tế về Việt Nam gồm lời nói đầu và 9 điều khoản.[91] Định ước được soạn bằng 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) bày tỏ sự tán thành, ủng hộ và ghi nhận tính pháp lý quốc tế của Hiệp định Paris 1973 và các nghị định thư kèm theo; công nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Định ước cũng quy định bốn bên ký hiệp định và hai bên miền Nam Việt Nam thông báo cho các bên ký định ước về tiến trình thi hành hiệp định. Trong trường hợp xảy ra vi phạm hiệp định, các bên ký hiệp định sẽ trao đổi với các bên cùng ký định ước để xác định các biện pháp giải quyết cần thiết.[92].

So với bản dự thảo hồi tháng 10 năm 1972, bản chính thức của Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết hầu như không khác nhau về nội dung. Dự thảo gồm 18 điều và dự kiến có thêm bản tiếng Pháp ngoài hai bản tiếng Anh và tiếng Việt. Bản được ký chính thức gồm 23 điều bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Chương I và Chương II được giữ nguyên gồm 7 điều. Chương III chỉ sửa lại tên gọi cho chi tiết vì bổ sung thêm vấn đề thường dân nước ngoài và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt, giam giữ. Chương IV gồm điều 9 và 9 khoản kèm theo được tách thành 6 điều, mỗi điều có từ 1 đến 3 khoản. Chương V gồm 1 diều (điều 10 của sự thảo và điều 15 ở bản được ký) được quy định chi tiết hơn. Chương VI giữ nguyên cấu trúc 4 điều và sửa đổi một số khoản về hình thức. Chương VII về Campuchia và Lào hầu như không thay đổi nội dung. Chương VIII về quan hệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ được giữ nguyên nội dung. Chương IX về điều khoản hiệu lực được chi tiết hoá cho phù hợp với thể thức ký. Trên thực tế, bản dự thảo hiệp định hồi tháng 10 năm 1972 và bản chính thức được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 không có các thay đổi lớn[6] Sau này, chính Kissinger đã ghi nhận điều đó với các câu hỏi và tự mình trả lời:

Điều đó có bõ không? Những sự thay đổi liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh không? Không, đối với chúng ta, hẳn thế; nhưng gần như chắc chắn là có đối với Sài Gòn mà sự tồn tại của họ, nói cho cùng, là cái cớ của chiến tranh.
— Henry Kisinger, [5]

Liên quan

Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ tại Hà Nội 2019 Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 Hội nghị Lập hiến (Hoa Kỳ) Hội nghị Thành Đô Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ 2018 Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu Hội Nam Hướng đạo Mỹ Hội Nữ Hướng đạo Mỹ Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam Hội Người cao tuổi Việt Nam

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội_nghị_Paris,_mặt_trận_ngoại_giao_năm_1968-1972 http://www.history.com/this-day-in-history/u-s-sou... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://baophapluat.vn/an-ninh-quoc-phong/su-kien-v... http://baophapluat.vn/phap-luat-4-phuong/nguyen-va... http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/tha... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/14969902-.... http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/bi-mat-ve-chiec-ban...